Ẩm thực đậm đà bản sắc Việt vào dịp Tết
Nhắc đến Tết Nguyên đán là nhắc đến niềm vui sum họp bên bữa cơm gia đình ấm cúng. Và ở mỗi vùng miền lại có nét ẩm thực đậm đà bản sắc Việt vào dịp Tết theo hương vị rất riêng
Thịt kho trứng – món ăn nổi bật của ẩm thực Tết Miền Nam
Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn và quan trọng nhất với người Việt Nam. Đây là thời điểm để mọi người tìm về với gia đình, bên mâm cơm Tết mang bản sắc truyền thống riêng ở mỗi vùng miền. Nếu như Miền Bắc có vị mặn đậm đà thì Miền Trung lại nổi bật với vị cay nồng, còn Miền Nam lại mang đến vị ngọt ngào. Tất cả đã tạo nên nét ẩm thực đậm đà bản sắc Việt vào dịp Tết.
Miền Bắc – “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”
Hương vị ẩm thực đậm đà bản sắc Việt vào dịp Tết của miền Bắc được gói gọn trong câu ca dao:
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
Bánh chưng là biểu tượng của ngày Tết Việt
Bánh chưng xanh là linh hồn của mâm cơm Tết cổ truyền của Miền Bắc. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm xóc muối, đậu xanh đãi vỏ, thịt ba chỉ ướp gia vị, gói bên ngoài là lớp lá rong xanh rền. Với nhiều người, hình ảnh cả gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng được nấu qua đêm trong không khí se lạnh đầu xuân đã trở thành hồi ức không thể nào quên.
Cùng với bánh chưng là sự hoà quện hương vị của thịt mỡ (thịt đông) – dưa hành ăn cùng với cơm. Thịt đông béo, giòn, ngọt kết hợp với dưa hành chua, the được ăn kèm với bát cơm nóng hổi sẽ làm cho bữa cơm Tết thêm phần ấm áp.
Một món ăn thường thấy khác trong ẩm thực Tết Miền Bắc là xôi gấc. Xôi gấc có màu đỏ thể hiện mong muốn một năm mới thật “đỏ” – nhiều may mắn và sung túc.
Miền Trung – Tỉ mỉ với bánh tét, bánh tổ, thịt ngâm
Món ăn truyền thống vào ngày Tết của miền Trung là bánh tét, cũng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ nhưng được gói bằng lá chuối theo hình trụ dài. Và cũng tương tự như bánh chưng tượng trưng cho đất thì bánh tét cũng mang ý nghĩa đại diện cho sự hội tụ của đất mẹ. Điều này thể hiện đặc trưng của văn hoá lúa nước ở Việt Nam.
Bánh tét có hình trụ dài và được gói bằng lá chuối
Ngoài bánh tét thì Miền Trung còn có bánh tổ. Bạn có thể ăn trực tiếp bánh tổ hoặc có thể nướng/chiên bánh để cảm nhận sự kết hợp tinh tế của các loại nguyên liệu: Hương thơm của gạo nếp và mè, vị ngọt thanh của đường đen xen lần vị cay ấm, thơm nồng của gừng.
Tất nhiên, không thể không nhắc đến những món nguội trong ẩm thực Tết của Miền Trung như chả, nem chua, tré, hay gỏi hội tụ đủ các hương vị của cuộc sống như chua, cay, mặn ngọt.
Miền Nam – Canh khổ qua mang cái khổ đi xa
Hoàn toàn khác với sự cầu kỳ của Miền Bắc và Miền Trung, ẩm thực Tết Miền Nam phóng khoáng và không gò bó, như cách sống của con người nơi đây. Chính vì vậy mà cùng là bánh tét mà bánh tét của Miền Nam còn được biến tấu thành bánh tét ngọt, bánh tét lá cẩm, bánh tét hột vịt muối…
Canh khổ qua mong những khổ cực của năm cũ qua đi.
Ở Miền Nam, ngoài một số món ăn phổ biến như bánh tét, thịt kho trứng, chả giò,… mâm cơm ngày Tết còn có thêm canh khổ qua (canh mướp đắng) với ngụ ý: Mong cho mọi điều khổ cực của năm cũ sẽ qua mau và hạnh phúc no đủ (nhân thịt ở giữa) sẽ đến thật nhiều trong năm mới.
Bên cạnh đó, người dân Nam Bộ có một món cũng không thể thiếu, đó là lạp xưởng. Có rất nhiều loại lạp xưởng các nhau như lạp xưởng heo, lạp xưởng tôm… thường được chiên bằng nước, dùng trong các bữa tiệc trong dịp họp mặt đầu xuân.
Những món ăn trong kho tàng ẩm thực đậm đà bản sắc Việt vào dịp Tết không chỉ thơm ngon, bắt mắt mà còn là những lời cầu mong điều lành và may mắn cho gia đình trong năm mới.